Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có những quy định rõ ràng về độ tuổi lái xe và mức xử phạt nghiêm khắc nhằm hạn chế hành vi vi phạm này. Vậy người không đủ tuổi lái xe phạt bao nhiêu? Hãy cùng tìm hiểu thông chi tiết trong bài viết dưới đây.
Luật Giao thông đường bộ Việt Nam chưa có quy định về giới hạn độ tuổi lái xe ô tô, tuy nhiên có giới hạn Giấy phép lái xe đối với từng hạng. Cụ thể như sau:
- GPLX hạng B1: Thời hạn với nữ đến 55 tuổi và với nam đến 60 tuổi. Trong trường hợp nữ trên 45 tuổi và nam trên 55 tuổi mới bắt đầu học bằng lái xe thì kể từ ngày được cấp, Giấy phép lái xe có thời hạn 10 năm.
- GPLX hạng A4, B2: Không phân biệt độ tuổi và giới tính, kể từ ngày được cấp Giấy phép lái xe có thời hạn là 10 năm.
- GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: Không phân biệt độ tuổi và giới tính, kể từ ngày được cấp Giấy phép lái xe có thời hạn là 5 năm.
Quy định độ tuổi lái xe ô tô
Theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi và sức khỏe. Ngoài ra, người sử dụng phương tiện cần phải có Giấy phép lái xe do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Đối với mỗi phương tiện, độ tuổi được phép lái xe ô tô sẽ khác nhau dựa theo quy định cụ thể tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008:
Phương tiện tham gia giao thông | Độ tuổi |
Xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg và xe ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi. | Đủ 18 tuổi trở lên |
Xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2). | Đủ 21 tuổi trở lên |
Xe ô tô chở người từ 10 – 30 chỗ ngồi và lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC). | Đủ 24 tuổi trở lên |
Xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD). | Đủ 27 tuổi trở lên
(Độ tuổi tối đa khi lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam) |
Chưa đủ tuổi lái xe ô tô phạt bao nhiêu?
Vậy người không đủ tuổi lái xe phạt bao nhiêu tiền? Căn cứ khoản 1 và khoản 6 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người lái xe ô tô khi chưa đủ tuổi có các mức phạt cụ thể như sau:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị xử phạt cảnh cáo.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 1.200.000 – 3.000.000 đồng.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP không quy định mức phạt đối với các loại xe khác như ô tô tải, ô tô chở người trên 10 chỗ, máy kéo… Do đó, những người chưa đủ tuổi điều khiển xe sẽ không được phép thi Giấy phép lái xe. Như vậy, khi người chưa đủ tuổi lái xe tham gia giao thông sẽ bị xử phạt lỗi không có Giấy phép lái xe và mức phạt của lỗi này từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu 2 đến 3 triệu đồng (Nguồn: Sưu tầm)
Giao xe cho người chưa đủ tuổi phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chủ phương tiện là cá nhân bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng và từ 8.000.000 – 12.000.000 đồng đối với chủ phương tiện là tổ chức thực hiện hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ tuổi điều khiển xe tham gia giao thông.
Người không đủ tuổi lái xe phạt bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và lỗi vi phạm. Pháp luật quy định độ tuổi tham gia giao thông với từng loại xe dựa trên nhận thức pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống khi điều khiển phương tiện… của người tham gia giao thông. Việc lái xe ô tô khi chưa đủ tuổi không chỉ là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ mà còn có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác. Mọi công dân cần phải chấp hành quy định của pháp luật về độ tuổi được phép lái xe và thi bằng lái xe ô tô trước khi sử dụng phương tiện.